Bài viết này đề cập đến nội dung pháp lý liên quan đến việc cưỡng chế thu hồi đất bao gồm: Khái niệm cưỡng chế thu hồi đất? Điều kiện để thực hiện cưỡng chế đất? Quy trình cưỡng chế đất? Thời gian cưỡng chế đất? Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thu hồi đất? Thành phần của Ban cưỡng chế thu hồi đất? theo quy định của Luật đất đai 2024 dùng vào mục đích tham khảo.
1. Khái niệm cưỡng chế?
Việc cưỡng chế thu hồi đất là một hình thức cưỡng chế hành chính, do cơ quan chức năng thực hiện và là biện pháp bắt buộc của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi mà không tuân theo quyết định thu hồi đất.
2. Điều kiện để thực hiện cưỡng chế đất?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đất đai 2024, việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất được tiến hành khi có đủ các điều kiện sau đây:
Điều kiện 1: Quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành quyết định này sau khi Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và cơ quan quản lý đất đai hoặc đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã vận động, thuyết phục;
Điều kiện 2: Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi;
Điều kiện 3: Quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành;
Điều kiện 4: Người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành.
Điều kiện 5: Trong trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế, Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ lập biên bản.
3. Quy trình cưỡng chế?
Tại khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024 có hướng dẫn việc thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban; đại diện các cơ quan chức năng như thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng; đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên và các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
Bước 2: Ban cưỡng chế thu hồi đất vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành, Ban cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế, Ban cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Bước 3: Ban cưỡng chế thu hồi đất có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện, Ban cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản, Ban cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.
Bước 4: Ban cưỡng chế thu hồi đất mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tham gia giám sát việc cưỡng chế thu hồi đất. Ngoài ra, kinh phí cưỡng chế thu hồi đất do ngân sách nhà nước bảo đảm, được lập thành một khoản trong kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
4. Thời gian cưỡng chế thu hồi đất?
Theo Khoản 3 Điều 89 Luật Đất đai 2024 quy định về thời gian cưỡng chế thu hồi đất như sau:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế. Quyết định cưỡng chế phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế hoặc kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản về việc người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc từ chối nhận quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quyết định cưỡng chế quy định thời gian dài hơn.
Trước đây, tại Khoản 3 Điều 71 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất và tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã quy định chi tiết về thời gian cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất. Cụ thể: Quyết định cưỡng chế phải được thi hành trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày người bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế. Thời gian thi hành được tính từ ngày UBND xã lập biên bản ghi nhận trường hợp người bị cưỡng chế vắng mặt hoặc từ chối nhận quyết định cưỡng chế. Thời gian cưỡng chế có thể kéo dài hơn nếu trong quyết định cưỡng chế có quy định thời gian cụ thể.
5. Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế thu hồi đất?
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 89 Luật Đất đai 2024 quy định cụ thể thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế như sau:
Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Không thực hiện cưỡng chế trong các thời gian sau:
+ Từ 10 giờ đêm ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;
+ Các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật, ngày lễ theo truyền thống của đồng bào dân tộc;
+ Trong thời gian 15 ngày trước và sau thời gian nghỉ Tết Âm lịch;
+ Các trường hợp đặc biệt khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phong tục, tập quán tại địa phương.
Trước đó, tại Điểm b Khoản 1 Điều 70 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã bổ sung thêm nhiều quy định cụ thể về thời điểm cưỡng chế như khung giờ không được cưỡng chế và không được cưỡng chế trong các ngày nghỉ, ngày lễ. Quy định này nhằm bảo đảm quyền lợi của người bị cưỡng chế và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của họ.
6. Thành phần của Ban cưỡng chế thu hồi đất?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 89 Luật Đất đai 2024, trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban cưỡng chế thu hồi đất, bao gồm:
+ Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban;
+ Đại diện các cơ quan có chức năng thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng;
+ Đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
+ Đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi là thành viên;
+ Các thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
+ Trước đây, tại Điểm a Khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai 2013 chỉ quy định trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 đã đổi tên Ban thực hiện cưỡng chế thành Ban cưỡng chế thu hồi đất và quy định cụ thể thành viên là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là trưởng ban, cùng với đại diện của các cơ quan thanh tra, tư pháp, tài nguyên và môi trường, xây dựng.
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế về lĩnh vực đất dai, xây dựng, nhà ở. Liên hệ tư vấn hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án tại toà án, vui lòng liên hệ số điện thoại: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ.