Bài viết này cung cấp nội dung pháp lý liên quan đến người đại diện theo uỷ quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức bao gồm số lượng người đại diện? Nội dung văn bản uỷ quyền? Danh sách người đại diện theo uỷ quyền? Nghĩa vụ của người đại diện theo uỷ quyền? Phân biệt giữa đại diện theo uỷ quyền và đại diện theo pháp luật dựa theo quy định hiện hành dùng để tham khảo.
1. Người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức?
Theo quy định tại Điều 14 của Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật này. Đồng thời, người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
+ Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;
+ Trong trường hợp thành viên, cổ đông là công ty có phần vốn góp hoặc cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, không được cử người thân như vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác;
+ Tuân thủ các điều kiện khác theo quy định trong điều lệ công ty.
2. Số lượng người đại diện theo uỷ quyền?
Nếu Điều lệ của công ty không có quy định khác, số lượng người đại diện theo ủy quyền được xác định như sau:
Doanh nghiệp sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ của công ty TNHH nhiều thành viên có thể cử tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền;
Doanh nghiệp sở hữu ít nhất 10% cổ phần phổ thông của công ty cổ phần có thể cử tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.
Pháp luật chỉ quy định số lượng người đại diện theo ủy quyền nếu doanh nghiệp sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ của công ty TNHH nhiều thành viên và ít nhất 10% cổ phần phổ thông của công ty cổ phần. Trong trường hợp sở hữu tỷ lệ thấp hơn, Điều lệ của công ty cần phải quy định số lượng người đại diện theo ủy quyền.
Nếu doanh nghiệp cử nhiều người đại diện, thì cần xác định rõ phần vốn góp và số cổ phần cho từng người đại diện. Trong trường hợp không xác định, phần vốn góp và số cổ phần sẽ được chia đều cho từng người đại diện.
Trách nhiệm của người đại diện theo ủy quyền bao gồm:
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này. Mọi hạn chế của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đối với người đại diện theo ủy quyền đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba.
Tham dự đầy đủ cuộc họp và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện.
Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện do vi phạm quy định. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền.
3. Nội dung văn bản uỷ quyền?
Thông báo văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải được gửi đến công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày nhận được văn bản. Văn bản này phải bao gồm các thông tin chính sau:
Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông;
Số lượng người đại diện theo ủy quyền và tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tương ứng của mỗi người đại diện theo ủy quyền;
Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của từng người đại diện theo ủy quyền;
Thời hạn ủy quyền tương ứng của từng người đại diện theo ủy quyền, bao gồm cả ngày bắt đầu được đại diện;
Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông và của người đại diện theo ủy quyền.
Ảnh minh hoạ
4. Danh sách người đại diện theo uỷ quyền?
– Danh sách người đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp bao gồm các thông tin sau đây:
+ Thông tin về chủ sở hữu/cổ đông là tổ chức nước ngoài;
+ Tên người đại diện theo ủy quyền;
+ Ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, dân tộc của người đại diện;
+ Địa chỉ hiện tại;
+ Địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú;
+ Số, ngày, cơ quan cấp CMND/CCCD/hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác của người đại diện;
+ Thông tin về vốn được ủy quyền bao gồm: tổng giá trị vốn được đại diện, tỷ lệ và thời điểm đại diện phần vốn;
+ Chữ ký của người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật.
– Khi lập danh sách người đại diện theo ủy quyền, cần lưu ý:
+ Công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo ủy quyền;
+ Nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn vào công ty cổ phần cũng cần có người đại diện theo ủy quyền;
+ Tổ chức là thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ, có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện;
+ Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần, sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông, có thể ủy quyền tối đa 3 người đại diện;
+ Trong trường hợp cử nhiều người đại diện, cần xác định rõ phần vốn góp, số cổ phần cho mỗi người đại diện. Nếu không xác định, phần vốn góp, số cổ phần sẽ được chia đều cho tất cả người đại diện.
5. Nghĩa vụ của người đại diện theo uỷ quyền?
Theo quy định tại Điều 15 Luật Doanh nghiệp 2020, người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty có các trách nhiệm sau:
Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông theo quy định của Luật này.
Tham dự đầy đủ cuộc họp của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; thực hiện các quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện.
Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện do vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền.
6. Phân biệt đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền?
STT | Nội dung | Người đại diện theo pháp luật | Người đại diện theo ủy quyền |
1 | Đối tượng được đại diện | Đại diện cho doanh nghiệp | Đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty là tổ chức |
2 | Mục đích | Thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. | Nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đó thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật Doanh nghiệp |
3 | Số lượng người đại diện | DNTN: 01 người. Công ty TNHH và công ty cổ phần: có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh | Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì việc cử người đại diện theo ủy quyền thực hiện theo quy định sau đây: Tổ chức là thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền; Tổ chức là cổ đông công ty cổ phần có sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông có thể ủy quyền tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền. |
4 | Căn cứ xác định người đại điện | Công ty TNHH và công ty cổ phần: Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. | Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền phải được thông báo cho công ty và chỉ có hiệu lực đối với công ty kể từ ngày công ty nhận được văn bản. |
5 | Tiêu chuẩn của người đại diện | Công ty TNHH 2 TV: Có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty TNHH 1 TV do tổ chức làm chủ: có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty cổ phần: Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó. Chủ doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật | Không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp (Tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam); Thành viên, cổ đông là doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp không được cử người có quan hệ gia đình của người quản lý công ty và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện tại công ty khác. Tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định. |
6 | Trách nhiệm của người đại diện | Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm nêu trên. | Nhân danh người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được uỷ quyền theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Mọi hạn chế của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông đối với người đại diện theo ủy quyền trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty tương ứng tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông đều không có hiệu lực đối với bên thứ ba. Người đại diện theo ủy quyền có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông; thực hiện quyền và nghĩa vụ được ủy quyền một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện. Người đại diện theo ủy quyền chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện do vi phạm trách nhiệm quy định tại Điều này. Chủ sở hữu, thành viên, cổ đông cử đại diện chịu trách nhiệm trước bên thứ ba đối với trách nhiệm phát sinh liên quan đến quyền và nghĩa vụ được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền. |
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế trong lĩnh vực doanh nghiệp. Liên hệ tư vấn, hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án liên quan đến doanh nghiệp tại Toà án và Trọng tài và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp. Vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ.