Quảng cáo thương mại là gì?

Bài viết đề cập đến nội dung quảng cáo thương mại, các đặc điểm của quảng cáo thương mại là gì? Chủ thể tham gia hoạt đông thương mại và các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo thương mại là gì? Quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hoạt động thương mại? được giải đáp trong bài viết này nhằm mục đích dùng để tham khảo.

1. Quảng cáo thương mại là gì?

Theo quy định tại Điều 102 của Luật Thương mại năm 2005, quảng cáo thương mại được định nghĩa như sau:
Quảng cáo thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm giới thiệu về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình đến khách hàng.

Theo quy định tại khoản 1 của Điều 103 Luật Thương mại năm 2005, các chủ thể sau có quyền quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo để thực hiện việc quảng cáo thương mại cho mình:

+ Thương nhân Việt Nam.

+ Chi nhánh của thương nhân Việt Nam.

+ Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được phép hoạt động thương mại tại Việt Nam.

+ Theo quy định tại Điều 105 của Luật Thương mại năm 2005, các sản phẩm quảng cáo thương mại bao gồm thông tin được truyền đạt bằng hình ảnh, hành động, âm thanh, tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, màu sắc, ánh sáng chứa đựng nội dung quảng cáo thương mại.

Theo quy định tại Điều 106 của Luật Thương mại năm 2005, phương tiện quảng cáo thương mại là công cụ được sử dụng để giới thiệu các sản phẩm quảng cáo thương mại. Các phương tiện quảng cáo thương mại bao gồm:

+ Các phương tiện thông tin đại chúng.

+ Các phương tiện truyền tin.

+ Các loại xuất bản phẩm.

+ Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác.

+ Các phương tiện quảng cáo thương mại khác.

Việc sử dụng các phương tiện quảng cáo thương mại phải tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm.

+ Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.

+ Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.

2. Đặc điểm của quảng cáo thương mại?

Thứ nhất, chủ thể của hoạt động quảng cáo thương mại là thương nhân. Thương nhân thực hiện quảng cáo thương mại để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của mình hoặc thực hiện dịch vụ quảng cáo thương mại theo hợp đồng để tìm kiếm lợi nhuận.

Thứ hai, về hình thức tổ chức thực hiện, thương nhân có thể tự thực hiện công việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của mình hoặc sử dụng dịch vụ quảng cáo của thương nhân khác thông qua hợp đồng dịch vụ.

Thứ ba, cách thức xúc tiến thương mại. Trong hoạt động quảng cáo thương mại, thương nhân sử dụng sản phẩm và phương tiện quảng cáo thương mại để thông tin về hàng hóa dịch vụ đến khách hàng bằng cách truyền tải những thông tin bằng hình ảnh, tiếng nói, chữ viết về hàng hóa, dịch vụ cần giới thiệu thông qua phương tiện truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm. Điều này là đặc điểm khác biệt của quảng cáo thương mại so với xúc tiến thương mại, mặc dù cả hai đều có mục đích giới thiệu hàng hóa dịch vụ như trưng bày, hội chợ triển lãm.

3. Những hành vi bị cấm?

Trong quá trình thực hiện quảng cáo thương mại, không phải mọi hàng hóa dịch vụ đều được phép quảng cáo. Điều 109 của Luật Thương mại năm 2005 đã quy định những trường hợp bị cấm quảng cáo thương mại bao gồm:

Quảng cáo tiết lộ bí mật nhà nước, làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Quảng cáo sử dụng sản phẩm quảng cáo, phương tiện quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và không tuân thủ quy định của pháp luật.

Quảng cáo hàng hóa, dịch vụ bị cấm kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh bởi Nhà nước, cũng như các sản phẩm như thuốc lá, rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên và hàng hóa, dịch vụ chưa được phép lưu thông, cung ứng trên thị trường Việt Nam vào thời điểm quảng cáo.

Lợi dụng quảng cáo thương mại gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức hoặc cá nhân.

Quảng cáo bằng cách so sánh trực tiếp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân khác.

Quảng cáo không trung thực về một trong các nội dung như số lượng, chất lượng, giá cả, công dụng, xuất xứ, chủng loại, bao bì, phương thức phục vụ, thời gian bảo hành của hàng hóa, dịch vụ.

Sử dụng sản phẩm quảng cáo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hình ảnh của tổ chức, cá nhân khác mà chưa được sự đồng ý của họ.

Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật.

4. Chủ thể tham gia?

Hoạt động quảng cáo thương mại có nhiều bên tham gia với các mục đích, phương pháp và quy mô khác nhau. Theo quy định của pháp luật, hoạt động này có sự tham gia của các bên sau:

Thứ nhất, người thuê quảng cáo thương mại: Tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình nhưng không thể tự thực hiện hoặc không có quyền thực hiện. Các bên này sẽ sử dụng dịch vụ quảng cáo thương mại từ các thương nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo thương mại thông qua hợp đồng dịch vụ.

Thứ hai, nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo thương mại: Là tổ chức hoặc cá nhân thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các công đoạn trong quá trình quảng cáo thương mại và cung cấp dịch vụ quảng cáo thương mại cho người thuê quảng cáo thông qua hợp đồng dịch vụ. Theo quy định của pháp luật thương mại, những bên cung cấp dịch vụ quảng cáo thương mại bắt buộc phải là thương nhân.

Thứ ba, người phát hành quảng cáo thương mại: Người phát hành quảng cáo thương mại sử dụng các phương tiện quảng cáo để giới thiệu sản phẩm quảng cáo của họ đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, tổ chức tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và cá nhân sử dụng các phương tiện quảng cáo khác.

Online Marketing Commercial Connection Technology

Ảnh minh hoạ

5. Quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ quảng cáo?

Dựa theo quy định từ Điều 102 đến Điều 116 Luật Thương mại 2005 quy định quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ quảng cáo như sau:

5.1. Bên thuê quảng cáo thương mại?

Trừ khi có thoả thuận khác, bên thuê quảng cáo thương mại được phép:

+ Chọn lựa người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;

+ Theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.

+ Nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo thương mại Trừ khi có thoả thuận khác, bên thuê quảng cáo thương mại cần thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp cho bên cung cấp dịch vụ quảng cáo thương mại thông tin trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại và chịu trách nhiệm về các thông tin này;

+Thanh toán tiền công dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí khác một cách hợp lý

5.2. Bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại

Trừ khi có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại được phép:

+ Yêu cầu bên thuê quảng cáo thương mại cung cấp thông tin quảng cáo trung thực, chính xác và tuân thủ thoả thuận trong hợp đồng;

+ Nhận thù lao dịch vụ quảng cáo thương mại và các chi phí hợp lý khác.

+ Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại

Trừ khi có thỏa thuận khác, bên cung ứng dịch vụ quảng cáo thương mại phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

+ Tuân thủ sự lựa chọn của bên thuê quảng cáo về người phát hành quảng cáo thương mại, hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian quảng cáo thương mại;

+ Tổ chức quảng cáo trung thực, chính xác về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thương mại dựa trên thông tin mà bên thuê quảng cáo đã cung cấp;

+ Thực hiện các nghĩa vụ khác đã thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại.

5.3. Nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo thương mại?

Người phát hành quảng cáo thương mại là cá nhân hoặc tổ chức trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại.

Người phát hành quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau đây:

Tuân thủ các quy định về việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại như quy định tại Điều 107 của Luật Thương mại 2005;

Thực hiện đúng hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết với bên thuê phát hành quảng cáo;

Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế trong lĩnh vực Thương mại. Liên hệ tư vấn hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án Thương mại tại Toà án và Trọng tài trong các tranh chấp liên quan đến Thương mại. Vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5 - (1 bình chọn)
CÙNG CHỦ ĐỀ
Gọi luật sư Gọi luật sư Yêu cầu gọi lại Yêu cầu dịch vụ