Quy định về tạm nhập tái xuất hàng hoá?

Bài viết này đề cập đến quy định về tạm nhập tái xuất hàng hoá? Những loại hàng hoá nào có thể tạm nhập, tái xuất? Kinh doanh tạm nhập tái xuất phải đáp ứng yêu cầu gì? Điều kiện tạm nhập tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu? Cá nhân tổ chức có quyền tạm nhập tái xuất hàng hóa trưng bày tại triển lãm thương mại tại Việt Nam? Ưu nhược điểm của tạm nhập tái xuất? Sẽ được làm rõ trong bài viết này dùng để tham khảo.

1. Quy định về tạm nhập tái xuất hàng hoá?

Quy định tại Điều 29 của Luật Thương mại 2005, có quy định về tạm nhập và tái xuất hàng hóa như sau:

Tạm nhập, tái xuất hàng hóa là quá trình đưa hàng hoá từ nước ngoài hoặc từ các khu vực đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam được xem xét là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật, đưa vào Việt Nam thông qua thủ tục nhập khẩu và sau đó xuất khẩu chúng ra khỏi Việt Nam.

2. Các loại hàng hoá có thể tạm nhập tái xuất?

Quy định tại  Điều 48 của Luật Hải quan 2014, quy định về các loại hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu bao gồm: 

Phương tiện chứa hàng hóa (như container rỗng có hoặc không có móc treo; Bồn mềm lót trong container để chứa hàng lỏng; Các phương tiện chứa hàng hóa theo phương thức quay vòng khác). 

Máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp dùng trong một khoảng thời gian nhất định như hội nghị, hội thảo, nghiên cứu khoa học, giáo dục, thi đấu thể thao, sự kiện văn hóa, nghệ thuật hoặc các sự kiện khác, khám chữa bệnh, nghiên cứu và phát triển sản phẩm; máy móc, thiết bị, dụng cụ nghề nghiệp phục vụ công việc trong thời hạn nhất định.

Máy móc, thiết bị, phương tiện thi công, khuôn, mẫu theo hợp đồng thuê, mượn để sản xuất, thi công; 

Linh kiện, phụ tùng của tàu nhập khẩu để sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; 

Hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm;

Và các loại hàng hóa khác theo quy định của pháp luật.

3. Kinh doanh tạm nhập tái xuất?

Quy định về kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa được chỉ rõ tại Điều 13 của Nghị định 69/2018/NĐ-CP như sau:

Thương nhân Việt Nam được phép kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các điều kiện sau:

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có điều kiện cụ thể phải đáp ứng theo quy định tại Mục 2 Chương này.

Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép được quy định tại Điều 19 và Điều 20 của Nghị định này.

Trường hợp hàng hóa không nằm trong phạm vi quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập tái xuất tại cơ quan hải quan.

Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này, không được kinh doanh tạm nhập tái xuất hàng hóa.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất phải được kiểm tra, giám sát từ khi tạm nhập đến khi tái xuất ra khỏi Việt Nam. Không được chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong quá trình từ cửa khẩu tạm nhập đến địa điểm tái xuất theo quy định. Trường hợp cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất, thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày kể từ khi hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có thể yêu cầu gia hạn với thời gian mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai lần cho mỗi lô hàng tạm nhập tái xuất. Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hoặc tiêu hủy hàng hóa. Nếu nhập khẩu, thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.

Kinh doanh tạm nhập tái xuất phải được thực hiện dựa trên hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân của nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

Thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập tái xuất phải tuân thủ quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ảnh minh hoạ

Quy định về trường hợp cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất được điều chỉnh như sau:

Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu được quy định cụ thể tại Phụ lục VI của Nghị định 69/2018/NĐ-CP.

Danh mục này không áp dụng đối với các trường hợp hàng hóa được kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu mà không thông qua cửa khẩu Việt Nam.

Trong trường hợp nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nguy cơ cho sức khỏe và tính mạng con người, vi phạm pháp luật về chuyển tải không hợp pháp, gian lận thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ quyết định cụ thể về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu và công bố công khai danh mục hàng hóa tạm ngừng kinh doanh kèm theo mã HS tương ứng.

Đây là những quy định của pháp luật liên quan đến tạm nhập tái xuất hàng hóa.

4. Điều kiện tạm nhập tái xuất đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu?

Theo quy định tại Điều 122 của Luật Thương mại 2005, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để trưng bày, giới thiệu phải tuân thủ các điều kiện sau đây, ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 121 của cùng Luật:

Là hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu phải được tái xuất khẩu sau khi kết thúc việc trưng bày, giới thiệu, nhưng không quá sáu tháng kể từ ngày tạm nhập khẩu. Trong trường hợp vượt quá thời hạn trên, phải thực hiện thủ tục gia hạn tại cơ quan hải quan nơi tạm nhập khẩu.

Hàng hóa tạm nhập khẩu để trưng bày, giới thiệu, nếu tiêu thụ tại Việt Nam, phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam đối với hàng hóa nhập khẩu.

5. Cá nhân tổ chức có quyền tạm nhập tái xuất hàng hóa trưng bày tại triển lãm thương mại tại Việt Nam?

Trong Điều 138 của Luật Thương mại 2005, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam bao gồm những điều sau đây:

Thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận với thương nhân tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.

Bán, tặng hàng hoá, cung ứng dịch vụ được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại theo quy định của pháp luật.

Được tạm nhập, tái xuất hàng hoá, tài liệu về hàng hoá, dịch vụ để trưng bày tại hội chợ, triển lãm thương mại.

Tuân thủ các quy định về tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam.

6. Ưu nhược điểm của tạm nhập tái xuất?

Ngoài ra, hình thức này cũng mang lại một số ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm:

Thúc đẩy sự phát triển của nhiều dịch vụ liên quan như hậu cần, bốc xếp, kho bãi, vận tải đường thủy, đường bộ, bảo hiểm,… góp phần tạo ra nguồn thu nhập và việc làm cho nhiều người.

Giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, nâng cao khả năng giao nhận và vận tải trên thị trường quốc tế.

Góp phần tăng cường tính hội nhập kinh tế với các quốc gia trên toàn thế giới.

Nhược điểm:

Doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro về giá do hợp đồng bán có thể xuất hiện trước hợp đồng mua.

Thời hạn tái xuất tại Việt Nam là 60 ngày, có thể gây áp lực về thủ tục và giá cả đối với các doanh nghiệp.

Rủi ro liên quan đến việc hàng hóa không phù hợp với khai báo, không thể tái xuất hoặc gây ô nhiễm môi trường cũng là một khía cạnh cần được quan tâm.


TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế trong lĩnh vực Thương mại. Liên hệ tư vấn hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án Thương mại tại Toà án và Trọng tài trong các tranh chấp liên quan đến Thương mại. Vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ.

Luật sư Bùi Thị Nhung: