1. Người lao động là ai?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, người lao động được xác định là cá nhân từ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có thể ký kết hợp đồng lao động, nhận lương và phải tuân theo quản lý, điều hành của người sử dụng lao động. Có thể phân loại người lao động thành ba loại: người lao động phổ thông, lao động chân tay và lao động trí óc. Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định bởi Luật Lao động và Luật Công đoàn, và họ cũng được bảo vệ quyền lợi bởi các tổ chức công đoàn tại nơi làm việc.
Độ tuổi lao động theo khoản 1 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi.
– Trường hợp sau đây được sử dụng người lao động từ từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi chỉ được làm công việc nhẹ bao gồm:
+ Biểu diễn nghệ thuật.
+ Vận động viên thể thao.
+ Lập trình phần mềm.
+ Các nghề truyền thống: chấm men gốm; cưa vỏ trai; làm giấy dó; làm nón lá; chấm nón; dệt chiếu; làm trống; dệt thổ cẩm; thêu thổ cẩm; làm bún gạo; làm miến; làm giá đỗ; làm bánh đa; dệt tơ tằm; se sợi hoa sen; vẽ tranh sơn mài, se nhang, làm vàng mã (trừ các công đoạn có sử dụng hóa chất độc hại như sơn ta, hóa chất tẩy rửa, hóa chất dùng để ướp màu, hóa chất tạo mùi, tạo tàn nhang cong…).
+ Các nghề thủ công mỹ nghệ: thêu ren; mộc mỹ nghệ; làm lược sừng; làm tranh dân gian (tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống…); nặn tò he; làm tranh khắc gỗ, biểu tranh lụa; nhặt vỏ sò, điệp để gắn trên tranh mỹ nghệ; mài đánh bóng tranh mỹ nghệ; xâu chuỗi tràng hạt kết cườm, đánh bóng trang sức mỹ nghệ; làm rối búp bê; làm thiếp mừng các sản phẩm từ giấy nghệ thuật trang trí trên thiếp mừng; làm khung tranh mô hình giấy, hộp giấy, túi giấy.
+ Đan lát, làm các đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu tự nhiên như: mây, tre, nứa, dừa, chuối, bèo lục bình, đay, cói, quế, guột, đót, lá nón.
+ Gói nem, gói kẹo, gói bánh(trừ việc vận hành hoặc sử dụng các máy, thiết bị, dụng cụ đóng gói).
+ Nuôi tằm.
+ Làm cỏ vườn rau sạch; thu hoạch rau, củ, quả sạch theo mùa.
+ Chăn thả gia súc tại nông trại.
+ Phụ gỡ lưới cá, đan lưới cá, phơi khô thủy sản.
+ Cắt chỉ, đơm nút, thùa khuyết, đóng gói vào hộp các sản phẩm dệt thủ công.
– Trường hợp được sử dụng người chưa đủ 13 tuổi chỉ được làm các công việc như sau: Các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Quyền và nghĩa vụ của người lao động được quy định như thế nào?
2.1. Quyền của người lao động?
Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cũng như khuyến khích việc tạo ra các thỏa thuận đảm bảo điều kiện thuận lợi cho họ, Bộ Luật Lao động quy định các quyền của người lao động tại khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động 2019 như sau:
– Một là, Người lao động có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi làm việc, và không phải chịu sự phân biệt đối xử, cưỡng ép, hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người lao động có thể tự do tìm kiếm công việc phù hợp với mình, có thể liên hệ trực tiếp hoặc đăng ký qua các tổ chức dịch vụ việc làm. Họ cũng được quyền kí kết hợp đồng lao động với nhiều nhà tuyển dụng khác nhau, và có quyền chấm dứt quan hệ lao động để tham gia vào một quan hệ lao động mới nếu cơ hội làm việc tốt hơn được cung cấp hoặc nếu điều kiện làm việc không đảm bảo. Tất cả những điều này đều nhằm đảm bảo quyền tự do lao động của công dân, trong đó quyền được làm việc và quyền được tự do lựa chọn việc làm được coi là quan trọng nhất.
– Hai là, Người lao động được nhận lương phù hợp với trình độ kỹ năng nghề, dựa trên sự thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo vệ trong lao động và làm việc dưới điều kiện an toàn, vệ sinh; cũng như được nghỉ phép theo quy định và hưởng các quyền lợi tập thể. Tiền lương không chỉ phản ánh trình độ và khả năng của người lao động, mà còn thể hiện sự tin tưởng và cam kết của người sử dụng lao động đối với họ. Pháp luật cam kết việc trả lương công bằng, không phân biệt giới tính và đảm bảo trả đúng hạn. Họ cũng được bảo vệ trong môi trường làm việc an toàn và vệ sinh, bao gồm kiểm tra định kỳ về yếu tố nguy hiểm và điều kiện làm việc. Bộ Luật Lao động năm 2019 cụ thể hóa về thời gian làm việc, nghỉ ngơi, nghỉ lễ và nghỉ phép hằng năm cho người lao động.
– Ba là, Người lao động được quyền thành lập, tham gia, và hoạt động trong các tổ chức đại diện cho họ, các tổ chức nghề nghiệp, và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật. Họ cũng có quyền yêu cầu và tham gia vào các cuộc đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, và thương lượng tập thể với người sử dụng lao động, cũng như được tham gia vào quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Thông thường, các tổ chức như công đoàn trong các doanh nghiệp hoặc cơ quan nhà nước được thành lập để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Người lao động cũng có thể tham gia và hoạt động trong các công đoàn. Các công đoàn cơ sở được thiết lập tại cấp doanh nghiệp và tổ chức công đoàn cấp trên trực tiếp cung cấp hỗ trợ và tuyển mộ người lao động gia nhập. Khi các công đoàn được thành lập theo đúng quy định pháp luật, người sử dụng lao động phải công nhận và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của công đoàn cơ sở.
– Bốn là, Người lao động có quyền từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc. Đây là một trong những quyền lợi chính đáng của người lao động. Nếu thấy có nguy cơ rõ ràng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc, người lao động hoàn toàn có quyền từ chối làm việc. Đặc biệt, quyền này được áp dụng đơn giản hơn trong trường hợp làm thêm giờ, tăng ca, đặc biệt là khi làm các công việc nguy hiểm và gây hại cho sức khỏe và tính mạng của người lao động theo quy định. Người lao động cũng có quyền từ chối điều chuyển sau khi đã làm việc cộng dồn trong 60 ngày trong một năm. Trong trường hợp người lao động không đồng ý và phải ngừng làm việc, người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động.
– Năm là, Người lao động có quyền tự ý chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Theo đó, người lao động có quyền chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải giải thích lý do và phải thông báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 03 ngày đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng, ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; ít nhất 45 ngày làm việc nếu đó là hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Có những trường hợp không cần thông báo trước khi tự ý chấm dứt hợp đồng như: không được bố trí công việc đúng chức danh, địa điểm làm việc không đúng, không nhận đủ tiền lương, bị phân biệt đối xử, bị lạm dụng, bị bạo hành hoặc bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Tuy nhiên, quyền tự ý chấm dứt hợp đồng không phải là quyền tuyệt đối của người lao động; nếu chấm dứt hợp đồng mà vi phạm pháp luật, người lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động một nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
– Sáu là, Người lao động có quyền thực hiện đình công. Đây là một trong những quyền cơ bản của người lao động, là biện pháp đối trọng có ý nghĩa và tác dụng mạnh mẽ nhất trong quan hệ lao động, nhằm áp đặt sức ép, đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ và đòi hỏi các lợi ích chính đáng theo pháp luật. Tuy nhiên, đình công không chỉ là quyền cá nhân của từng người lao động. Đây là một quyền tập thể phải được thực hiện theo phương thức tổ chức và phối hợp, do công đoàn lãnh đạo bằng cách tiến hành nghỉ làm tập thể. Do đó, nếu một hoặc một vài người lao động nghỉ làm mà không có sự tổ chức và phối hợp từ công đoàn, thì hành động đó không được coi là đình công và có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật và nội quy lao động. Cần chú ý rằng có các hành vi bị cấm trước, trong và sau khi đình công, như cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động tham gia đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc; xâm phạm trật tự, an toàn công cộng; lợi dụng đình công để thực hiện các hành vi vi phạm khác.
2.2. Nghĩa vụ của người lao động?
Bên cạnh đó, Bộ Luật Lao động quy định các nghĩa vụ của người lao động tại khoản 2 Điều 5 Bộ luật lao động 2019 như sau:
– Một là, Người lao động phải tuân thủ hợp đồng lao động, thỏa thuận lao động tập thể và các thỏa thuận hợp pháp khác. Mỗi hợp đồng lao động sẽ chỉ rõ quyền và nghĩa vụ của cả hai bên, người lao động và người sử dụng lao động. Theo quy định, người lao động cần thực hiện cả thỏa thuận cá nhân (hợp đồng lao động) và thỏa thuận tập thể (thỏa ước lao động tập thể), hai loại thỏa thuận này quyết định quan hệ lao động giữa hai bên. Các nghĩa vụ trong thỏa ước lao động tập thể không chỉ ràng buộc cá nhân mà còn ràng buộc tập thể, với những yêu cầu mà một người lao động cá nhân không thể thực hiện được, như không được tụ tập đông người trong giờ làm việc, ví dụ. Vì vậy, quan hệ giữa thỏa thuận lao động tập thể và hợp đồng lao động là chặt chẽ, có sự bổ sung và kiểm soát lẫn nhau, và người lao động phải tuân thủ hợp đồng để đảm bảo sự hiệu quả trong quản lý lao động và hoạt động của doanh nghiệp.
– Hai là, Người lao động phải tuân thủ kỷ luật lao động, nội quy lao động và chấp hành sự quản lý, điều hành giám sát của người sử dụng lao động. Khi tham gia vào công việc, người lao động phải tuân theo sự điều hành và quản lý của người sử dụng lao động. Ngoài các quy định cơ bản theo luật, mỗi đơn vị hoặc cơ quan công tác sẽ có các quy định riêng về nội quy lao động mà người lao động cần phải chú ý và thực hiện. Pháp luật cho phép doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức quản lý nhân viên để bảo vệ sự an toàn của sản nghiệp và tài sản đầu tư. Quản lý này bao gồm việc chỉ huy, điều hành, giám sát, xử lý và thưởng phạt nhân viên, và người lao động phải tuân thủ các biện pháp quản lý này. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo điều kiện làm việc và chịu trách nhiệm trước những hậu quả của việc quản lý đối với người lao động trong quá trình đi làm và trở về.
– Ba là, Người lao động có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, cũng như tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động. Điều này bao gồm việc thực thi đúng và đầy đủ các quy định, cũng như tham gia đóng bảo hiểm và thực hiện các thủ tục liên quan như khai báo, sử dụng thẻ, và giám định. Người lao động cũng không được phép thực hiện các hành vi cấm như lợi dụng, lạm dụng hệ thống.
Ngoài các quyền và nghĩa vụ đã nêu, pháp luật còn quy định một số điều khác đối với người lao động. Chẳng hạn, họ phải cung cấp thông tin trung thực về bản thân cho người sử dụng lao động, bao gồm trình độ, bằng cấp, và tình trạng sức khỏe khi kí kết hợp đồng lao động. Các ngành công nghiệp như nghệ thuật, thể thao có chế độ đào tạo và bồi dưỡng riêng, trong khi người lao động cao tuổi có quyền thỏa thuận về thời gian làm việc hoặc chế độ làm việc linh hoạt. Người lao động nữ cũng có các quyền đặc biệt khi mang thai, như chấm dứt hoặc hoãn hợp đồng lao động.
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế. Liên hệ tư vấn hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án lao động; mời luật sư tham gia giải quyết khiếu nại lao động, vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: buinhunglw2b@gmail.com để được hỗ trợ.