1. Những hành vi nào bị cấm trong Luật lao động?
Quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo Điều 8 của Bộ Luật Lao động năm 2019 bao gồm:
– Một là, Phân biệt đối xử trong lao động.
– Hai là, Ngược đãi hoặc cưỡng bức người lao động.
– Ba là, Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
– Bốn là, Lợi dụng việc đào tạo, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc ép buộc người học nghề, tập nghề tham gia vào các hoạt động trái pháp luật.
– Năm là, Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho các công việc yêu cầu hoặc có điều kiện phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
– Sáu là, Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc tuyển dụng người lao động với mục đích buôn bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vi phạm pháp luật.
– Bảy là, Sử dụng lao động chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật.
2. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho các công việc yêu cầu hoặc có điều kiện phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là gì?
Có nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải trải qua quá trình đào tạo cẩn thận, có kỹ năng nghề chứng minh bằng các chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia về chuyên môn, kỹ năng. Các công việc yêu cầu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia được quy định tại Điều 35 của Luật Việc làm năm 2013 và hướng dẫn bởi Chương III Nghị định số: 31/2015/NĐ-CP ngày 24/03/2015 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Các công việc yêu cầu chứng chỉ kỹ năng thường liên quan trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động và cộng đồng, bao gồm:
– Công việc thuộc danh mục công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
– Công việc khi người lao động thực hiện có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của cộng đồng hoặc cá nhân người lao động đó, hoặc sức khỏe của người khác.
Vì vậy, nếu người lao động chưa được đào tạo, không có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với những công việc đòi hỏi, có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác do người lao động không thành thạo công việc, không thể dự đoán được các tình huống có thể xảy ra trong quá trình làm việc.
Ảnh minh hoạ
3. Các hành vi bị cấm khác?
3.1. Phân biệt đối xử trong lao động là gì?
Theo quy định tại Khoản 8, Điều 3 của Bộ Luật Lao động năm 2019, phân biệt đối xử trong lĩnh vực lao động được hiểu là việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên các tiêu chí như chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động của công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên có thể được chấp nhận khi cần thiết cho yêu cầu cụ thể của công việc hoặc để bảo vệ việc làm của người lao động và không gây tổn thương cho họ, không được coi là hành vi phân biệt đối xử.
Hành vi phân biệt đối xử trong lao động có thể do người sử dụng lao động hoặc tập thể người lao động thực hiện và có thể bao gồm cả lời nói hoặc hành động, đôi khi không rõ ràng. Hậu quả của hành vi này thường gây ra mất sự hòa thuận và ổn định trong môi trường làm việc, khó khăn trong việc xây dựng quan hệ lao động và thực hiện công việc. Việc bị phân biệt đối xử khiến người lao động không cảm thấy được tôn trọng, điều này đối lập với nguyên tắc cơ bản trong quan hệ lao động. Do đó, phân biệt đối xử trong lao động được coi là hành vi bị cấm.
Ví dụ, việc doanh nghiệp không tuyển dụng phụ nữ cho các công việc bình thường hoặc từ chối ứng viên theo đạo Thiên Chúa có thể được xem xét là hành vi phân biệt đối xử trong lao động.
3.2. Ngược đãi hoặc cưỡng bức người lao động?
Trong mối quan hệ lao động, người lao động thường đứng trong tình thế yếu đuối và dễ trở thành nạn nhân của ngược đãi lao động. Do đó, hành vi ngược đãi hoặc cưỡng bức lao động thường được thực hiện bởi người sử dụng lao động. Mặc dù Luật Lao động không đưa ra định nghĩa cụ thể về “ngược đãi lao động”, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng đó là hành vi gây tổn hại hoặc kiểm soát người khác, có thể bao gồm lạm dụng cơ thể, lời nói hoặc cảm xúc. Bất kể hình thức, hành vi ngược đãi đều gây ra tác động nặng nề và khó khắc phục cho tinh thần của người lao động.
Theo Khoản 7 Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019, cưỡng bức lao động được hiểu là hành vi sử dụng bạo lực, đe dọa sử dụng bạo lực hoặc các phương tiện khác để buộc người lao động thực hiện công việc mà họ không muốn. Việc này có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
Vì tính nguy hiểm của hành vi ngược đãi hoặc cưỡng bức lao động, pháp luật lao động đã xếp hành vi này vào danh sách hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động. Người sử dụng lao động thực hiện hành vi này có thể phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính tùy theo tính chất và hậu quả của hành vi.
3.3. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc?
Trong bối cảnh này, nơi làm việc được hiểu là bất kỳ địa điểm nào mà người lao động thực sự tham gia làm việc theo sự thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động. Địa điểm này có thể bao gồm cả các không gian, sự kiện có liên quan đến công việc như hội nghị, tập huấn, công tác di chuyển chính thức, bữa ăn, cuộc trò chuyện qua điện thoại, giao tiếp qua phương tiện điện tử, các phương tiện di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, cũng như nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và các địa điểm khác mà người sử dụng lao động quy định.
Theo Khoản 9, Điều 3 của Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 84 Nghị định số: 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết về điều kiện lao động và quan hệ lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không có sự đồng ý hoặc chấp nhận từ người bị tác động. Hành vi này có thể bao gồm:
Các hành vi yêu cầu, đe dọa, ép buộc để đòi hỏi mối quan hệ tình dục liên quan đến công việc;
Hành vi tình dục nhưng không với mục đích trao đổi, gây không thoải mái và lo lắng trong môi trường làm việc, gây tổn thương về tinh thần, thể chất, hiệu suất công việc và cuộc sống của người bị ảnh hưởng.
Trên thực tế, quấy rối tình dục tại nơi làm việc thường đa dạng và phổ biến. Tuy nhiên, các hành vi này thường bao gồm:
Cử chỉ, tiếp xúc, hoặc hành vi thể xác có tính chất tình dục hoặc gợi ý tình dục;
Quấy rối tình dục qua lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc phương tiện điện tử, có nội dung tình dục hoặc ngụ ý về tình dục;
Quấy rối tình dục qua hành vi phi ngôn ngữ như cử chỉ cơ thể, trưng bày hoặc mô tả hình ảnh tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục, thậm chí gửi hình ảnh, video tình dục qua các ứng dụng trực tuyến như Zalo, Facebook, Messenger, v.v.
Hành vi này có thể được coi là ngược đãi đối với người lao động hoặc trở thành hành vi phạm tội.
3.4. Lợi dụng việc đào tạo, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc ép buộc người học nghề, tập nghề tham gia vào các hoạt động trái pháp luật?
Dạy nghề, tập nghề là việc mà người sử dụng lao động tuyển chọn người để đào tạo kỹ năng nghề, hướng dẫn thực hành công việc, và rèn luyện kỹ năng cho vị trí công việc tại nơi làm việc.
Hoạt động dạy nghề, tập nghề này mang tính chất đặc biệt vì về mặt ý nghĩa, việc này mang lại lợi ích lớn cho người học, tập nghề. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội cho người sử dụng lao động lợi dụng để ép buộc, dụ dỗ, hoặc lừa dối người học, người tập nghề tham gia vào các hoạt động trái pháp luật hoặc bóc lột sức lao động của họ. Do những người này thường thiếu kinh nghiệm và kiến thức về ngành nghề, công việc, cùng với thời gian ngắn tham gia vào công ty, họ chưa hiểu rõ về cơ cấu và hoạt động thực tế của doanh nghiệp. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động thực hiện các hành vi ảnh hưởng đến lợi ích của người học, người tập nghề. Vì vậy, hành vi “lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật” đã trở thành một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động.
3.5. Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc tuyển dụng người lao động với mục đích buôn bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vi phạm pháp luật?
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động và người sử dụng lao động được tự do ký kết hợp đồng lao động nhưng không được vi phạm pháp luật, thỏa thuận lao động tập thể và đạo đức xã hội. Hành vi ký kết hợp đồng lao động phải tuân thủ tinh thần tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực (Theo Điều 15).
Từ đó, có thể nhận thấy rằng các hành vi mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động, lừa đảo để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mục đích thực hiện hành vi trái pháp luật đều xâm phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng và đều có thể gây ra tội phạm. Những hành vi này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Vì vậy, chúng thuộc vào nhóm các hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động.
3.6. Sử dụng lao động chưa đủ tuổi theo quy định của pháp luật?
Người lao động chưa thành niên, tức là những người dưới 18 tuổi, được coi là đối tượng lao động đặc biệt vì họ đang trong quá trình phát triển về cả thể chất và tinh thần, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, dễ bị tổn thương, lừa dối và lợi dụng. Do đó, pháp luật lao động đã quy định rằng khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
– Đảm bảo cho người lao động chưa thành niên được phân công công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển về thể chất, tinh thần, và nhân cách.
– Người sử dụng lao động phải chăm sóc và quan tâm đến người lao động chưa thành niên về các khía cạnh của công việc, sức khỏe và học tập trong quá trình làm việc.
– Cần có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ; cần lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ thông tin cá nhân, công việc, kết quả kiểm tra sức khỏe định kỳ và phải xuất trình khi được cơ quan nhà nước yêu cầu.
– Phải tạo điều kiện để người lao động chưa thành niên có thể tiếp tục học văn hóa, nghề nghiệp, đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề.
Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải tuân thủ các quy định về thời gian làm việc, hợp đồng lao động, và các trường hợp sử dụng lao động dưới 15 tuổi, cũng như các quy định liên quan đến công việc và nơi làm việc không được sử dụng người lao động từ 15 đến dưới 18 tuổi.
Do đó, việc sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật là vi phạm các quy định trên. Người lao động chưa thành niên có thể không nhận ra mình bị lợi dụng, do đó, những hành vi này trở nên nguy hiểm hơn. Vì vậy, việc sử dụng người lao động chưa thành niên trái pháp luật là hành vi bị cấm trong lĩnh vực lao động.
4. Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc không có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho các công việc yêu cầu hoặc có điều kiện phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị xử lý như thế nào?
Trong trường hợp người sử dụng lao động thực hiện hành vi bị cấm, như sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc mà yêu cầu sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính dưới hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (theo điểm b khoản 2 Điều 8 Nghị định số: 12/2022/NĐ-CP).
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế trong lĩnh vực Lao Động. Liên hệ tư vấn hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án Lao Động; mời luật sư tham gia giải quyết khiếu nại Lao Động, vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: buinhunglw2b@gmail.com để được hỗ trợ.