Bài viết này đề cập đến nội dung liên quan đến thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp người bị xử phạt chết thì thi hành quyết định xử phạt ra sao? Các trường hợp hoãn thi hành quyết định và các trường hợp được miễn giảm tiền phạt dùng vào mục đích tham khảo.
1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính là gì?
Quyết định xử phạt hành chính là tài liệu quy định các biện pháp trừng phạt cho các đối tượng vi phạm luật và áp dụng các biện pháp này ở mức độ phạt hành chính tương ứng với hành vi vi phạm đó. Theo Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt hành chính của cơ quan có thẩm quyền không quá 07 ngày kể từ khi lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phức tạp được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính, thời hạn này có thể được gia hạn nhưng không quá 30 ngày từ khi lập biên bản.
2. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành trong vòng 01 năm, tính từ ngày ban hành. Sau thời hạn này, quyết định không còn hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp tịch thu tài sản, phương tiện vi phạm, hoặc biện pháp khắc phục hậu quả, thì việc tịch thu tài sản, phương tiện và áp dụng biện pháp khắc phục vẫn được thực hiện. Đối với trường hợp cá nhân hoặc tổ chức cố ý trốn tránh hoặc trì hoãn thi hành quyết định, thì thời gian hiệu lực nêu trên sẽ được tính từ thời điểm kết thúc hành vi trốn tránh hoặc trì hoãn.
3. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm trong trường hợp người bị xử phạt chết?
Trong trường hợp người bị xử phạt qua đời, mất tích, tổ chức bị giải thể hoặc phá sản theo quy định tại Điều 75 của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, và quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, người đưa ra quyết định xử phạt phải thi hành một phần quyết định đó trong vòng 60 ngày. Thời hạn này được tính từ ngày người bị xử phạt qua đời được ghi trong giấy tử, từ ngày người bị mất tích được ghi trong quyết định tuyên bố mất tích, từ ngày cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo về việc giải thể tổ chức, hoặc từ thời điểm quyết định tuyên bố phá sản có hiệu lực. Quyết định thi hành bao gồm:
Đình chỉ thi hành một số hình thức xử phạt, với lý do cụ thể; trừ trường hợp được quy định tại điểm b của khoản này;
Tiếp tục thi hành hình thức xử phạt tịch thu tài sản, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong việc thi hành hình thức xử phạt tịch thu tài sản, phương tiện vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp người bị xử phạt qua đời, mất tích, tổ chức bị giải thể hoặc phá sản:
Cá nhân, tổ chức nắm giữ tài sản, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tài sản, phương tiện vi phạm hành chính;
Cá nhân được thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật dân sự có trách nhiệm tiếp tục thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi tài sản thừa kế.
4. Các trường hoãn quyết định xử phạt vi phạm hành chính?
Theo quy định tại Điều 76 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 được hưỡng dẫn tại Khoản 37 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. Điều kiện để hoãn thi hành quyết định phạt tiền được áp dụng khi:
Cá nhân bị phạt từ 2.000.000 đồng trở lên, tổ chức bị phạt từ 100.000.000 đồng trở lên;
Cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn; tổ chức gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Đối với cá nhân gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi cá nhân đó cư trú hoặc làm việc; đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, cần thêm xác nhận từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên.
Đối với tổ chức gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, cần có xác nhận từ Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
Cá nhân, tổ chức cần gửi đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính kèm văn bản xác nhận từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, theo quy định tại khoản 1 của Điều này, đến người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 68 của Luật này. Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt sẽ xem xét và quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt.
Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không vượt quá 03 tháng, tính từ ngày có quyết định hoãn.
Cá nhân, tổ chức được hoãn chấp hành quyết định xử phạt sẽ được trả lại giấy tờ, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang bị tạm giữ theo quy định.
Ảnh minh hoạ
5. Các trường hợp giảm, miễn tiền phạt?
Được quy định tại Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 và được hướng dẫn tại Khoản 38 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 việc giảm một phần tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt cho cá nhân, tổ chức đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 76 của Luật này được quy định như sau:
Cá nhân tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc;
Tổ chức tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
Cá nhân được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt nếu không có khả năng thi hành quyết định trong một trong những trường hợp sau đây:
+ Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định, và tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc;
+ Đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định, và gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc; trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, phải có thêm xác nhận từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên.
Tổ chức được miễn phần tiền phạt còn lại ghi trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Đã được giảm một phần tiền phạt theo quy định, hoặc đã nộp tiền phạt lần thứ nhất hoặc lần thứ hai trong trường hợp được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định;
+ Đã thi hành hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định xử phạt;
+ Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
Cá nhân không có khả năng thi hành quyết định được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định, và tiếp tục gặp khó khăn về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc;
+ Bị phạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đang gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi học tập, làm việc; trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất về kinh tế do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn, phải có thêm xác nhận từ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên.
Tổ chức được miễn toàn bộ tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
+ Đã được hoãn thi hành quyết định phạt tiền theo quy định;
+ Đã thi hành hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quy định xử phạt;
+ Tiếp tục gặp khó khăn đặc biệt hoặc đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp.
Cá nhân, tổ chức phải gửi đơn đề nghị giảm, miễn tiền phạt kèm theo xác nhận từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt sẽ xem xét, quyết định việc giảm, miễn và thông báo cho người có đơn đề nghị biết; nếu không đồng ý, phải nêu rõ lý do.
Cá nhân, tổ chức được giảm, miễn tiền phạt sẽ được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định.
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế trong lĩnh vực Hành chính. Liên hệ tư vấn hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án hành chính hoặc đại diện theo uỷ quyền xử lý các khiếu nại liên quan đến xử phạt hành chính vui lòng liên hệ số điện thoại: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ.