Thương nhân nước ngoài là ai?
Theo quy định tại Điều 6 Luật Thương mại năm 2005, thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp và cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Thương nhân được phép hoạt động thương mại trong các ngành nghề tại các địa bàn dưới các hình thức và theo phương thức mà pháp luật không cấm. Quyền hoạt động thương mại hợp pháp của thương nhân sẽ được nhà nước bảo hộ. Nhà nước có thể thực hiện độc quyền nhà nước về hoạt động thương mại đối với một số hàng hóa, dịch vụ hoặc tại một số địa bàn để đảm bảo lợi ích quốc gia.
Thương nhân phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; nếu chưa đăng ký kinh doanh, thương nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình theo quy định. Theo quy định của pháp luật, thương nhân nước ngoài được coi là thương nhân nếu được thành lập và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc được pháp luật nước ngoài công nhận. Thương nhân nước ngoài có thể đặt văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam; thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định. Đồng thời, thương nhân nước ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam về toàn bộ hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên sẽ được coi là thương nhân Việt Nam.
Thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam dưới hình thức nào?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Thương mại 2005, các hình thức thương nhân nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam bao gồm: Văn phòng đại diện; Chi nhánh; Thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam theo các hình thức do pháp luật Việt Nam quy định.
Chi tiết về từng hình thức như sau:
Thứ nhất, Văn phòng đại diện: Được quy định tại Điều 17 và Điều 18 Luật Thương mại 2005 như sau: Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài: Thực hiện hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập văn phòng đại diện; Sử dụng các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của văn phòng đại diện; Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại văn phòng đại diện; Mở tài khoản ngân hàng ngoại tệ hoặc đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ và chỉ sử dụng tài khoản này trong hoạt động của văn phòng đại diện; Sử dụng con dấu mang tên văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, văn phòng đại diện cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ tương ứng như sau: Không thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam mà chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong phạm vi mà Luật Thương mại 2005 cho phép, như quảng cáo, giới thiệu hàng hóa dịch vụ, triển lãm thương mại; Không ký kết hoặc thay đổi hợp đồng của thương nhân nước ngoài, trừ khi có giấy uỷ quyền hợp pháp hoặc theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật Thương mại 2005; Nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; Báo cáo hoạt động của Văn phòng đại diện tới Cơ quan cấp giấy phép theo quy định của pháp luật; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Ảnh minh hoạ
Thứ hai, Chi nhánh: Được quy định tại Điều 19 và Điều 20 Luật Thương mại 2005 như sau: Các quyền của chi nhánh bao gồm: Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của chi nhánh;
Tuyển dụng lao động để làm việc tại chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam; Ký kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập chi nhánh và theo quy định của Luật Thương mại 2005; Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam; Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam; Sử dụng con dấu mang tên chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam; Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Các quyền khác theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ của chi nhánh bao gồm: Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam, và trong trường hợp cần, phải áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác được Bộ Tài chính chấp thuận; Báo cáo hoạt động của Chi nhánh tới Cơ quan cấp giấy phép theo quy định của pháp luật; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Thứ ba, Thành lập doanh nghiệp: Điều 21, Luật Thương mại 2005 như sau: Hiện nay, Luật Đầu tư 2020 không còn sử dụng thuật ngữ “doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Tuy nhiên, tại Khoản 22 Luật Đầu tư 2020 quy định: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”. Khoản 21 Luật Đầu tư 2020 cũng quy định: “Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”. Từ đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể là cá nhân có quốc tịch nước ngoài hoặc tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam (theo Khoản 19 Điều 3 Luật Đầu tư 2020).
3. Thẩm quyền cho phép hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam?
Việc cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam được quản lý bởi Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ Thương mại quản lý việc cấp giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam; thành lập Chi nhánh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp thương nhân đó chuyên thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo pháp luật Việt Nam và phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trường hợp Luật chuyên ngành có quy định cụ thể về thẩm quyền của Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý việc cấp giấy phép cho thương nhân nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
Tóm lại, việc cho phép thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ được Chính phủ thống nhất quản lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thương mại sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc quản lý việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền của mình. Với pháp luật chuyên ngành quy định, thẩm quyền quản lý thuộc về Bộ, cơ quan ngang Bộ.
4. Thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam chấm dứt khi nào?
Theo quy định tại Điều 23 Luật Thương mại năm 2015, hoạt động thương mại của thương nhân nước ngoài sẽ kết thúc trong các trường hợp sau đây:
– Hết thời hạn hoạt động ghi trong giấy phép;
– Theo đề nghị của thương nhân và được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp nhận;
– Theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật và quy định của giấy phép;
– Do thương nhân bị tuyên bố phá sản;
– Khi thương nhân nước ngoài chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật nước ngoài đối với hình thức Văn phòng đại diện, Chi nhánh và tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam;
Lưu ý: Trước khi chấm dứt hoạt động tại Việt Nam, thương nhân nước ngoài có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ và các nghĩa vụ khác với Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan tại Việt Nam.
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế trong lĩnh vực doanh nghiệp. Liên hệ tư vấn, hỗ trợ các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án liên quan đến doanh nghiệp tại Toà án và Trọng tài và hỗ trợ xử lý các vấn đề phát sinh trong nội bộ doanh nghiệp. Vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: buinhunglw2b@gmail.com để được hỗ trợ.