Tìm hiểu về giao dịch dân sự là gì?
Bài viết này đề cập đến nội dung giao dịch dân sự là gì? Điều kiện hiệu lực của giao dịch dân sự và khi nào giao dịch dân sự bị vô hiệu? dùng vào mục đích tham khảo.
1. Tìm hiểu về giao dịch dân sự là gì?
Giao dịch dân sự là một khái niệm được xác định tại Điều 116 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, giao dịch dân sự bao gồm các hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương, là cơ sở để phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Trong đó:
Hợp đồng được hiểu là cơ sở ghi nhận sự đồng ý của các bên về việc thiết lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Ví dụ về hợp đồng có thể là hợp đồng cho thuê đất, hợp đồng mua bán ô tô, hợp đồng hợp tác kinh doanh…
Hành vi pháp lý đơn phương là hành động của một cá nhân nhằm thay đổi, bắt đầu hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự, có thể là việc cấp ủy quyền, lập di chúc, cam kết thưởng…
Hình thức của giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản (bao gồm cả giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử) hoặc bằng hành động cụ thể.
Lưu ý: Nếu hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện để giao dịch đó có hiệu lực, thì phải tuân theo quy định của nó. Ví dụ, trong một số trường hợp, giao dịch phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, các bên tham gia giao dịch dân sự phải tuân thủ quy định đó.
2. Hiệu lục của giao dịch dân sự phát sinh khi nào?
Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực được quy định tại Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, giao dịch dân sự chỉ được xem là có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
2.1. Về chủ thể
Các cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch dân sự phải có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự phù hợp với loại giao dịch mà họ thực hiện.
Tất cả các đối tượng tham gia trong giao dịch dân sự phải hoàn toàn tự nguyện. Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là tôn trọng sự thỏa thuận tự nguyện của các bên và nguyên tắc công bằng… của cá nhân, tổ chức trong quá trình giao kết và thực hiện giao dịch dân sự.
2.2. Về mục đích và nội dung của giao dịch dân sự
Không vi phạm quy định của pháp luật. Điều này có nghĩa là giao dịch phải tuân thủ những điều pháp luật không cấm, không cho phép chủ thể thực hiện. Ví dụ, pháp luật Việt Nam cấm cá nhân hoặc tổ chức buôn lậu.
Do đó, các bên không thể thỏa thuận ký kết hợp đồng mua bán tài sản để sử dụng cho việc buôn lậu…
Không vi phạm nguyên tắc đạo đức xã hội. Các quy tắc, tiêu chuẩn đạo đức xã hội thường được áp dụng trong một cộng đồng hoặc xã hội. Do đó, các thỏa thuận trong giao dịch dân sự không được phép vi phạm điều này. Ngoài ra, còn một số hành vi vi phạm đạo đức xã hội như phân biệt đối xử, gian lận, kỳ thị người khác… Đặc biệt, những hành vi này cũng có thể là vi phạm pháp luật.
2.3. Về hình thức của giao dịch dân sự
Điều 117 Bộ luật Dân sự quy định rõ ràng rằng nếu pháp luật đề cập đến hình thức của giao dịch dân sự như một điều kiện để giao dịch đó có hiệu lực, thì các bên phải tuân theo quy định đó.
3. Các loại hình thức của giao dịch dân sự?
Giao dịch dân sự có thể thể hiện thông qua lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Người lập giao dịch có quyền chọn lựa hình thức phù hợp. Chỉ trong các trường hợp đặc biệt, pháp luật mới đưa ra yêu cầu về hình thức, mà các bên phải tuân theo, như việc lập văn bản, chứng nhận, công chứng, chứng thực, đăng ký, xin phép.
Hình thức bằng lời nói: Được coi là phổ biến nhất, mặc dù mức độ xác thực của nó thấp. Thường được sử dụng cho các giao dịch diễn ra ngay và kết thúc ngay sau đó (như việc mua bán trao đổi tay) hoặc giữa các bên có mối quan hệ mật thiết, tin cậy. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp giao dịch dân sự bằng lời nói phải tuân thủ các điều kiện pháp lý mới có hiệu lực, như điều kiện về hiệu lực của di chúc miệng.
Hình thức văn bản: Bao gồm hai loại chính: văn bản thông thường và văn bản được công chứng, chứng thực.
Văn bản thông thường được áp dụng khi các bên tham gia giao dịch dân sự đồng ý hoặc khi pháp luật quy định rằng giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản. Hình thức này có độ xác thực cao hơn và rõ ràng hơn so với trường hợp giao dịch được thực hiện bằng lời nói.
Văn bản được công chứng, chứng thực áp dụng khi pháp luật yêu cầu giao dịch dân sự phải được lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực hoặc khi các bên thỏa thuận phải có chứng nhận, chứng thực, đăng ký hoặc xin phép, các bên phải tuân thủ hình thức và thủ tục đó.
Giao dịch bằng hành vi: Là khi các bên tham gia có thể thiết lập giao dịch thông qua các hành động cụ thể được quy định trước, ví dụ như việc mua nước từ máy tự động. Đây là cách thức giao dịch đơn giản nhất và không nhất thiết phải có sự hiện diện đồng thời của tất cả các bên tham gia. Hình thức này đang trở nên phổ biến hơn trong các quốc gia có nền công nghiệp tự động hóa phát triển.
Ảnh minh hoạ
4. Giao dịch dân sự vô hiệu khi nào?
Theo quy định của Điều 116 trong Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự được định nghĩa là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương tạo ra, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Từ quy định này, có thể hiểu rằng kết quả của việc thiết lập giao dịch dân sự là tạo ra, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các chủ thể trong mối quan hệ pháp lý dân sự. Giao dịch dân sự là một sự kiện pháp lý (hành vi pháp lý đơn phương hoặc đa phương – từ một bên hoặc nhiều bên) gây ra hậu quả pháp lý. Tùy thuộc vào từng giao dịch cụ thể mà tạo ra, thay đổi hoặc chấm dứt mối quan hệ pháp lý dân sự.
Giao dịch là hành vi có ý thức của các chủ thể nhằm đạt được mục đích cụ thể, do đó giao dịch dân sự là hành vi chứa đựng ý chí của các chủ thể tham gia giao dịch, với những mục đích và động cơ riêng. Vì vậy, giao dịch dân sự trở nên vô hiệu khi không đáp ứng một trong những điều kiện quy định tại Điều 117 trong BLDS 2015, cụ thể:
+ Chủ thể có năng lực pháp lý dân sự và năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được thiết lập. Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện.
+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
+ Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
+ Các trường hợp khác được quy định trong Bộ luật này.
+ Những quy định về sự vô hiệu của giao dịch dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thiết lập trật tự, kỷ cương xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân và nhà nước; bảo đảm an toàn pháp lý cho các chủ thể trong giao lưu dân sự.
Các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu có thể được chia thành hai nhóm chính: Vô hiệu tuyệt đối (hay còn được gọi là vô hiệu đương nhiên) và vô hiệu tương đối (hay còn được gọi là vô hiệu bị tuyên). Sự phân loại trên dựa vào một số đặc điểm thể hiện bản chất của hai khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối và vô hiệu tương đối.
Thứ nhất, là sự khác biệt về quy trình vô hiệu của giao dịch. Giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối được coi là vô hiệu mặc nhiên. Trong khi đó, các giao dịch vô hiệu tương đối không được coi là vô hiệu mặc nhiên mà chỉ trở thành vô hiệu khi có yêu cầu từ bên liên quan có quyền và lợi ích hoặc khi toà án tuyên bố vô hiệu.
Thứ hai, là sự khác biệt về thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tuyệt đối, không có hạn chế về thời gian yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trong khi đó, đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tương đối, thời hạn khởi kiện để yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu là hai năm kể từ ngày giao dịch dân sự được thiết lập. Cần lưu ý rằng trường hợp vô hiệu do vi phạm các quy định bắt buộc về hình thức cũng thuộc nhóm vô hiệu tuyệt đối, nhưng theo quy định của Điều 132 trong BLDS 2015, thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu là hai năm kể từ ngày giao dịch được thiết lập (giống như các trường hợp vô hiệu tương đối, vì hiệu lực của giao dịch phụ thuộc vào ý chí của chủ thể mà không phải là của Nhà nước).
Thứ ba, giao dịch dân sự thuộc trường hợp vô hiệu tuyệt đối có thể bị vô hiệu mà không cần quyết định của toà án, vì đây là các giao dịch vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên không được bảo hộ bởi Nhà nước. Trong khi đó, đối với các giao dịch dân sự vô hiệu tương đối, quyết định của toà án là cơ sở làm cho giao dịch trở thành vô hiệu. Quyết định của toà án là quyết định pháp luật, và toà án tiến hành giải quyết khi có yêu cầu từ các bên hoặc đại diện hợp pháp của họ. Bên yêu cầu phải chứng minh cơ sở của yêu cầu trước toà. Dựa trên các minh chứng đó, toà án mới cân nhắc xem giao dịch có bị coi là vô hiệu hay không.
Thứ tư, là sự khác biệt về mục đích. Các trường hợp giao dịch vô hiệu tuyệt đối được quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công (lợi ích của Nhà nước, của xã hội nói chung). Trong khi các trường hợp giao dịch vô hiệu tương đối được quy định nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của các chủ thể tham gia giao dịch.
TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án trên thực tế về vấn đề Dân sự như Hợp đồng; thừa kế; bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm hoặc các vấn đề liên quan đến bồi thường ngoài hợp đồng…. Liên hệ tư vấn; đại diện uỷ quyền hoặc mời luật sư tham giao bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án về Dân sự, vui lòng liên hệ số điện thoại hotline: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ kịp thời.