Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác Điều 159?

Bài viết này đề cập đến nội dung pháp lý liên quan đến tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là gì? Cũng như khung hình phạt đối với tội này sẽ được làm rõ trong bài viết này dùng vào mục đích tham khảo.

1. Cơ sở pháp lý?

Được quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 như sau:

“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

2. Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là gì?

Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác là một trong những quyền cá nhân được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, khoản 2 Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 cũng khẳng định rằng đây là quyền cá nhân, không ai được quyền bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái phép thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

Ngày nay, thư tín, điện tín, điện thoại… được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú như:

Thư viết tay, thư giấy…

Lưu trữ trong băng, đĩa với các hình ảnh, lời nói…

Thư, email được soạn thảo trên máy tính và gửi qua mạng internet.

Tin nhắn trên điện thoại bằng chữ viết, hộp thư thoại, hộp tin nhắn…

Các hành vi xâm phạm bí mật thư tín phổ biến mà chúng ta thường gặp trong đời sống bao gồm:

Lén lút trộm cắp thư tín, điện báo của người khác và sử dụng thông tin trong đó mà không được sự đồng ý.

Cầm hộ, nhận thư hộ người khác nhưng lại bóc ra xem.

Nghe trộm cuộc nói chuyện của người khác qua điện thoại.

Cha mẹ đọc tin nhắn của con, kiểm soát việc sử dụng điện thoại và cấm không cho con nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, thầy cô hoặc bắt xoá, kiểm tra các tin nhắn giữa con với bạn bè…

Như vậy, có thể thấy bất cứ hành vi xem, sử dụng, bóc mở thư tín, điện thoại, điện tín nào không được sự cho phép của người sở hữu hoặc người được uỷ quyền quản lý đều có thể coi là hành vi xâm phạm bí mật thư tín của người khác.

3. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác Điều 159?

3.1. Cấu thành tội phạm?

* Về mặt khách thể:

Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Quyền an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân còn được cụ thể hóa bởi những quy định tại Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015:

“Điều 12. Bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân. Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân. Việc khám xét chỗ ở; khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.”

Đối tượng tác động của tội phạm này là thư, điện báo, telex, fax và các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính.

Thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác bị xâm phạm là những văn bản của công dân (cá nhân), không phải của Nhà nước và tổ chức. Nếu là của Nhà nước hoặc tổ chức, người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này mà tùy trường hợp cụ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng. Ví dụ, người phạm tội thu thập thư, điện báo,… của cơ quan nhà nước nhằm mục đích chống phá nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì có thể bị xử lý về tội gián điệp (Điều 110 Bộ luật Hình sự).

Người nước ngoài công tác và sinh sống ở Việt Nam nếu tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam mà bị xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín cũng được bảo hộ như công dân Việt Nam.

Như vậy, khách thể của xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác là quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân.

* Về mặt khách quan:

Hành vi thuộc mặt khách quan của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác bao gồm các hành vi sau:

+ Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào.

Đây là hành vi lấy trái phép và chiếm giữ về cho mình thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông. Hành vi này bao gồm việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác công khai hoặc bí mật để chiếm lấy những thứ nêu trên của người khác vì động cơ cá nhân. Tính chất chiếm đoạt ở đây khác chiếm đoạt tài sản ở chỗ người phạm tội có thể lấy thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính cho mình, nhưng cũng có thể chỉ lấy rồi vứt đi mà không chiếm hữu sử dụng. Thư từ, điện tín có thể là để ngỏ hay dán kín; có thể là ở thùng thư, bưu điện hay ở nhà riêng, đang do mình có trách nhiệm chuyển giao hay lừa người khác nhận chuyển hộ rồi chiếm đoạt.
b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông.

Làm hư hỏng là không còn nguyên vẹn hoặc hỏng hoàn toàn thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác. Hành vi này rất đa dạng về cách thức thực hiện như tiêu hủy, đốt, xé, xóa thư, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác. Thất lạc thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không hành động theo trình tự, không đưa những đối tượng trên đến địa điểm cần đến. Cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác là không làm hư hỏng, ảnh hưởng đến hành trình, đường đi của thư tín nhưng lại sao chép, ghi lại nội dung của thông tin trong thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác.

+ Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật.

Đây là hành vi bí mật nghe trộm điện thoại của người khác hoặc dùng thiết bị để ghi âm lại cuộc gọi của người khác.

+ Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật.

Đây là hoạt động có thể công khai hoặc bí mật lục soát người, chỗ ở, đồ vật để thu giữ thư tín, điện tín,…

+ Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác qua mạng xã hội, sử dụng các dạng truyền tin bằng chữ, hình ảnh, âm thanh qua: Facebook, Zalo, Viber,…

Các hành vi xâm phạm bí mật an toàn thư tín, điện báo,… nêu trên phải là hành vi trái pháp luật. Khi xác định có phải là hành vi phạm tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hay không cần phải đối chiếu với các quy định về bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của các cơ quan chức năng chuyên ngành như: Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Viễn thông,…

Tuy không phải là hành vi, nhưng dấu hiệu bắt buộc thuộc mặt khách quan của tội phạm này là đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện bưu chính và máy tính.

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm nghĩa là trước đó đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Hand pressing an envelope that is sent to the world

Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác, đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử phạt hành chính hoặc bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nay lại có hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác thì cũng không cấu thành tội phạm này.

Hậu quả của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là gây ra những thiệt hại về vật chất và tinh thần cho con người hoặc gây ra những thiệt hại về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Những thiệt hại này có thể tính ra được bằng tiền, nhưng cũng có thể không tính ra được bằng tiền. Hậu quả của hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác trước hết làm cho thư tín, điện thoại, điện tín không còn giữ được bí mật hoặc không đến được người nhận và do không giữ được bí mật hay không đến được người nhận nên có thể gây ra hậu quả khác về vật chất hoặc tinh thần cho người khác. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín bị xâm phạm, nên chỉ cần xác định thư tín, điện thoại, điện tín bị lộ, bị chiếm đoạt hoặc bị xâm phạm, còn các hậu quả khác như gây thiệt hại về vật chất hay tinh thần của nạn nhân không có ý nghĩa định tội danh, chỉ mang ý nghĩa quyết định hình phạt.

* Về mặt chủ thể:

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như: độ tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với tội này, chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này, còn người dưới 16 tuổi không phải là chủ thể của tội phạm này, vì cả khoản 1 và khoản 2 của tội phạm này đều là tội phạm ít nghiêm trọng. Người phạm tội cũng phải có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi. Nếu người phạm tội không có hoặc bị hạn chế năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải là chủ thể của tội phạm này theo Điều 21 Bộ luật Hình sự.

Nói chung, chủ thể của tội phạm này là bất kỳ ai, nhưng trong một số trường hợp, người phạm tội là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Đối với những người này, thông thường phạm tội thuộc trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc cá biệt có trường hợp vì động cơ cá nhân hoặc vụ lợi mà xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác.

* Về mặt chủ quan:

Tội phạm này được thực hiện do lỗi cố ý, bao gồm lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Người phạm tội hoàn toàn nhận thức được hậu quả của việc xâm phạm bí mật và an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi xâm phạm hoặc không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng lại có ý thức bỏ mặc để hậu quả đó xảy ra.
Động cơ của tội phạm này rất đa dạng, có thể nhằm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại như bí mật kinh doanh,… hoặc vì lý do cá nhân như tò mò, ghen tuông,…

3.2. Hình phạt đối với tội này?

Mức phạt tù

Áp dung đối với hành vi

Hình phạt chính:
Khung 1: Cảnh cáo hoặc Phạt tiền từ 20 – 50 triệu đồng hoặc Cải tạo không giam giữ đến 03 năm

Đã bị kỷ luật/phạt hành chính mà còn vi phạm về các hành vi:

– Chiếm đoạt thư tín, điện báo, fax… được gửi bằng mạng bưu chính, viễn thông của người khác.

– Cố ý làm hỏng, mất hoặc lấy nội dung, thông tin của thư tín, điện báo… được gửi bằng bưu chính, viễn thông.

– Ghi âm, nghe cuộc đàm thoại trái luật.

– Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái luật.

– Hành vi khác xâm phạm quyền bí mật thư tín của người khác.

Khung 2: Phạt tù từ 01 – 03 năm

Thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; phạm tội từ 02 lần trở lên; tiết lộ thông tin đã chiếm đoạt ảnh hưởng danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác; khiến nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung: Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 05 – 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 – 05 năm.

TUYET NHUNG LAW cung cấp đội ngũ Luật sư chuyên nghiệp và giàu kinh nghiệm xử lý các vụ án hình sự trên thực tế. Liên hệ tư vấn các vấn đề liên quan đến hình sự hoặc mời luật sư bào chữa cho bị cáo; mời luật sư bảo vệ cho bị hại hoặc người có quyền lợi liên quan trong vụ án hình sự, vui lòng liên hệ số điện thoại/ zalo: 0975.982.169 hoặc gửi yêu cầu qua email: lienhe@tuyetnhunglaw.vn để được hỗ trợ và đưa ra những tư vấn kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

Theo dõi chúng tôi trên
5/5 - (1 bình chọn)
CÙNG CHỦ ĐỀ
Gọi luật sư Gọi luật sư Yêu cầu gọi lại Yêu cầu dịch vụ